Một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

MỘT SỐ GIẢI PHÁP  ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG TRƯỜNG
MẦM NON BẮC LỆNH ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA MỨC ĐỘ I

         1. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
       Xác định xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ  xuyên suốt, kéo dài cả một quá trình, một giai đoạn của nhà trường. Vì vậy, ngay từ năm học 2013- 2014, căn cứ thực trạng của nhà trường và đối chiếu với các quy định tại Thông tư 36 của Bộ GD&ĐT nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho cả giaI đoạn 5 năm và kế hoạch cụ thể trong từng năm, mục tiêu phấn đấu năm học 2016-2017, nhà trường sẽ hội đủ các tiêu chuẩn của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
       Trong bản kế hoạch, xác định rõ thực trạng và đề ra được các biện pháp cụ thể để phấn đấu đạt được mục tiêu. Ví dụ: Tiêu chuẩn về công tác tổ chức và quản lý: yêu cầu đội ngũ CBQL phải có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn, có trình độ lý luận chính trị, tin học…, để đạt được mục tiêu này cần phải thực hiện biện pháp quan tâm, tạo điều kiện cho đồng chí Hiệu trưởng tham gia học lớp Trung cấp lý luận chính trị do Tỉnh tổ chức; hoặc yêu cầu về trình độ đạo tạo chuyên môn của đội ngũ: 100% giáo viên, nhân viên đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên, trong đó trình độ trên chuẩn đạt 40% (đối với trường đạt chuẩn mức độ I), nhà trường đề ra biện pháp sắp xếp và tạo điều kiện cho các đồng chí giáo viên theo học các lớp đào tạo trình độ cao đẳng mầm non, đại học mầm non hệ vừa làm vừa học do trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai tổ chức đồng thời đảm bảo 100% nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
        Hàng năm và đặc biệt, năm học 2015-2016, căn cứ kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2014-2015, căn cứ các quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BGD&ĐT ngày 8/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận tr­­ường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, nhà trường điều chỉnh, bổ sung các giải pháp để quyết tâm phấn đấu đạt đủ các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia mức độ I ngay trong năm 2016.
Để chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đề ra các biện pháp thực hiện cụ thể; hàng kỳ, cuối mỗi năm học tiến hành đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, viên chức nhà trường. Kết quả: 100% các thành viện đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham mưu, để xuất ý kiến kịp thời các vần đề liên quan đến các tiêu chuẩn như chất lượng đội ngũ, chất lượng CS-GD trẻ, về tình hình cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường để Ban chỉ đạo nắm bắt và có hướng chỉ đaọ thực hiện kịp thời. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ, chất lường CS-ND-GD trẻ hàng năm đều có sự chuyển biến rõ và vững chắc; cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư, bổ sung ngày càng được đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ  CS-GD trẻ cũng như mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
        2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBGVNV, các bậc cha mẹ trẻ
       Để mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia từ đó sẵn sàng khắc phục khó khăn, cùng chung tay phấn đấu để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, nhà trường đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể CBGVNV, cha mẹ trẻ và cộng đồng nhân  dân thông qua nhiều hình thức như:  Đối với CBGVNV: thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, các buổi họp Hội đồng giáo dục nhà trường, sinh hoạt công đoàn… Đối với cha mẹ trẻ: nhà trường thực hiện tuyên truyền qua pa nô, tờ rơi, bảng tin, thông báo, trong các hội nghị phụ huynh…Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng: nhà trường tranh thủ tuyên truyền về công tác xây dựng trường mầm non chuẩn quốc gia trong các hội nghị do địa phương tổ chức như Hội nghị Quân dân chính, Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác Đảng, công tác chính quyền hàng năm…để cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, ban ngành của địa phương hiểu về chủ trương của nhà nước, của ngành giáo dục trong công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
       Nội dung tuyên truyền: Bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nhà trường thống nhất lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cần tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền là những nội dung cốt lõi, chủ yếu nhất được quy định tại Luật Giáo dục, Luật viên chức, Điều lệ trường mầm non, Thông tư 02/2014/TT-BGDĐT ngày 8/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận tr­­ường mầm non đạt chuẩn quốc gia, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh…và kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của nhà trường hàng năm. Nội dung tuyên truyền được nhà trường nghiên cứu, biên soạn ngắn gọn để mọi người dễ hiểu dễ nhớ, dễ thực hiện.
Ví dụ: Với đội ngũ CBGVNV nhà trường: cán bộ, giáo viên có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế chuyên môn, tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, luôn trau dồi phẩm chất, đạo đức nhà giáo và năng lực chuyên môn, xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, thực hiện tốt “dân vận khéo”…Với cha mẹ trẻ: tập trung tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của Giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ, về nội dung chương trình CS-GD trẻ mầm non, phương pháp nuôi, dạy trẻ khoa học và những nội dung cần phối hợp với nhà trường để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, duy trì tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ giúp trẻ phát triển toàn diện, tham gia cải tạo, xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ trong trường mầm non, tích cực ủng hộ các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất nhà trường…
       Kết quả:  100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đều hiểu rõ các văn bản quy phạm pháp luật về Giáo dục mầm non, đặc biệt nắm rất chắc nội dung Thông tư 02/2014/TT-BGD&ĐT ngày 8/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận tr­­ường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, từ đó tích cực, chủ động trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ năm sau cao hơn năm trước. Tích cực bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các hoạt động do các cấp các ngành phát động, xây dựng tập thể đoàn kết. Cha mẹ trẻ nhà trường, các tổ chức xã hội tích cực hưởng ứng các hoạt động do nhà trường khởi xưởng và ủng hộ các nguồn lực nhằm cải tạo và xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động ngày càng tốt hơn. Tổng nguồn kinh phí huy động từ sự ủng hộ của cha mẹ trẻ, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm để tăng cường cơ sở vật chất nhà trường trong 3 năm học được hơn 762 triệu đồng, riêng năm học 2015-2016 được trên 300 triệu đồng và 356 công lao động. Nhờ đó hệ thống cơ sở vật chất nhà trường được bổ sung ngà càng đầy đủ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của trường màm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.
       3. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng CS-ND-GD trẻ
       * Về chất lượng đội ngũ
        Trong trường mầm non, đội ngũ giáo viên, nhân viên là lực lượng biến mục tiêu chăm sóc- giáo dục trẻ thành hiện thực, là nguồn lực quý báu có vai trò quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường do đó phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên bằng mọi hình thức. Để có được đội ngũ giáo viên, nhân viên vững vàng, đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và thực hiện đảm bảo mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ hàng năm, ngay từ đầu năm học, trước hết tôi đã chủ động trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với khả năng, mămg lực chuyên môn và điều kiện gia đình để giáo viên có điều kiện hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn và những nhiệm vụ khác đồng thời có sự phân công rõ ràng, phù hợp để giáo viên có cơ hội và điều kiện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, không dựa dẫm hoặc tị nạnh cho ai. Từ đó phát huy được tinh thần tự lực, phát triển những mặt mạnh, hạn chế mặt yếu để hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ đáp ứng tốt công việc. Bên cạnh đó, tôi quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu và quy định đối với trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong kế hoạch chỉ rõ đối tượng cần bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng, thời điểm bồi dưỡng cụ thể, phù hợp với tình hình đội ngũ của nhà trường và biện pháp thực hiện kế hoạch như tổ chức hội thảo chuyên đề, hội thi giáo viên dạy giỏi, cô nuôi giỏi, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra hoạt động sư phạm nhà giáo… Đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán, đó là các đồng chí tổ trưởng chuyên môn nhằm trang bị thêm cho họ kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý và lãnh đạo, giúp cho họ có thêm những kiến thức, hiểu biết xã hội, một số kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của tổ; hướng dẫn họ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cụ thể, khả thi trên cơ sở thực tế chất lượng đội ngũ của mỗi tổ chuyên môn để họ có đủ sức để thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao.
       Kết quả: Nhờ việc thực hiện nghiêm túc và linh hoạt  kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, chất lượng giáo viên, nhân viên của nhà trường trong những năm qua và đặc biệt năm học 2015-2016 có sự chuyển biến nổi bật, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp trường có khả năng vận dụng sáng tạo hiệu quả các hoạt động theo chương trình đổi mới 83.8%; 66.7% giáo viên biết sử dụng chương trình Kidsmart, HappyKids để tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Trong Hội thi viết SKKN cấp trường có 8 SKKN được xếp loại A, còn lại xếp loại B.  100% nhân viên cấp dưỡng đạt cô nuôi giỏi cấp trường, không để sảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại trường. 6/12 giáo viên được đánh giá chuẩn nghề nghiệp loại xuất sắc 6/12  giáo viên xếp loại khá. Đánh giá viên chức cuối năm học, có 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt năm học 2015-2016, căn cứ kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường đã đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến si thi đua cho 11/16 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
       * Về chất lượng trẻ:
       Bám sát mục tiêu chung của Giáo dục là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ” và chương trình chăm sóc – nuôi dưỡng – giáo dục trẻ do Bộ giáo dục ban hành. Chất lượng chăm sóc – nuôi dưỡng – giáo dục là mục tiêu phấn đấu, là sự khẳng định chất lượng nhà trường. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã giao chỉ tiêu chất lượng trẻ cho từng khối, lớp phù hợp với tình hình cụ thể về chất lượng và kết quả khảo sát đầu năm học; đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc- giáo dục trẻ. Hàng tháng, hàng kỳ, nhà trường rà soát, nắm bắt tình hình về chất lượng trẻ, đối chiếu với mục tiêu kế hoạch năm học để kịp thời bổ sung biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về chất lượng chăm sóc- giáo dục trẻ; phát huy vai trò trách nhiệm của giáo viên, nhân viên trong công tác CS-ND-GD trẻ; khuyến khích, động viên những cá nhân, tập thể nhỏ trong nhà trường có sáng kiến hay, kinh nghiệm quý báu trong công tác nâng cao chất lượng CS-GD trẻ. Ghi nhận và đề xuất các cấp có thẩm quyền khen tặng những giáo viên, nhân viên có thành tích tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ CS-ND-GD trẻ.
Kết quả: 100% các cháu đến trường đều được chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về chiều cao đạt 95%, về cân nặng đạt 98,7%. 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, không có trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm, hoặc xảy ra tai nạn trong nhà trường. Về mặt nhận thức: 100% trẻ được xếp loại đạt yêu cầu trở lên, trong đó xếp loại khá, giỏi đạt 93%. 100% trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động, có ký năng giao tiếp tốt; Đặc biệt, trong hội thi “Bé khỏe, bé sáng tạo” cấp thành phố, có cháu đạt 2 giải nhất. 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp một phổ thông.
       4. Làm tốt công tác tham mưu
       Căn cứ kết quả rà soát tình hình thực tế của nhà trường trong lộ trình phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia hàng năm và đối chiếu với các tiêu chuẩn được  quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BGD&ĐT ngày 8/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận tr­­ường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, tôi nhận thấy: việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, của mỗi đồng chí cán bộ, giáo viên mà còn là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của cha mẹ trẻ và cộng đồng. Vì vậy, cần phải xác định rõ đâu là nhiệm vụ của nhà trường, đâu là nhiệm vụ của cha mẹ trẻ và các tổ chức xã hội và nội dung nào cần phải có sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, của địa phương?
       Qua kết quả rà soát mức độ đạt được trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn dịp cuối năm học 2014-2015, nhà trường đã hội tụ các yếu tố cần thiết như: công tác quản lý, tổ chức, chất lượng đội ngũ, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, công tác XHHGD. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc nhất về cơ sở vật chất, đó là hệ thống cổng, tường rào bảo vệ chưa có đầy đủ. Phòng bảo vệ, nhà xe của cán bộ giáo viên chưa có, môi trường cho trẻ hoạt động khám phá chưa được phong phú.
        Trước tình hình đó, một mặt tôi đã chỉ đạo nhà trường tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các nhiệm vụ như thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo nhà trường, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên và chất lượng chăm sóc- giáo dục trẻ; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm  huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất nhà trường; tổ chức nhiều hoạt động của nhà trường như ngày hội đến trường, ngày  tết trung thu, các hội thi của cô, của trẻ …Tất cả các hoạt động đó đều có sự tham dự và chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo địa phương, sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể địa phương với vai trò là thành viên  trong Ban giám khảo hoặc là “thí sinh” trong các hội thi do nhà trường, cụm vành đai chấtt lượng tổ chức. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ ghi nhận một cách trung thực và khách quan nhất những kết quả đạt được của nhà trường trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Mặt khác, tôi đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND phường về các văn bản của Bộ GD&ĐT liên quan đến công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; báo cáo rõ về thực trạng của nhà trường và đối chiếu giữa các yêu cầu được quy định tại Thông tư 02, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để thực hiện các mục tiêu xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia một cách vững chắc.
Ví dụ: Quy hoạch lại khu đất trồng rau cuối sân trường để làm khu nhà để xe cho cán bộ giáo viên được an toàn, thuận tiện; chuyển khu chuồng nuôi các con vật cạnh khu bếp ăn xuống khu vườn rau của bé vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa thuận tiện cho các cháu quan sát, trải nghiệm; lát gạch, láng xi măng lối đi trong vườn rau cho các cháu đi lại an toàn và thuận tiện; Đề xuất địa phương hỗ trợ kinh phí để hoàn thành hệ thống lan can trên kè giữa hai sân chơi và toàn bộ hàng rào bằng lưới kim loại để đảm bảo an toàn cho trẻ và tài sản của nhà trường…
       Nhờ có sự tham mưu tích cực, cụ thể và sự quyết tâm của nhà trường, Đảng ủy, địa phương đã đưa nội dung xây dựng trường mầm non Bắc Lệnh đạt chuẩn quốc gia vào Nghị quyết của Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu hoàn thành mục tiêu ngay trong năm 2016, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch. Đồng thời cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động thâm mưu, đề nghị UBND thành phố và các cơ quan chức năng bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng đầy đủ, khang trang. Đến nay, nhà trường đã có đủ  phòng học, phòng chức năng cho trẻ hoạt động. Các phòng làm việc, phòng y tế, bếp ăn của trẻ có đầy đủ các phương tiện, thiết bị làm việc phục vụ cho côg tác quản lý nhà trường. Cổng trường, tường rào, kè bảo vệ…được xây dựng kiên cố, sân vườn sạch sẽ, đồ chơi ngoài trời cho trẻ hoạt động phong phú… đáp ứng các tiêu chí trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
       Với Ủy ban nhân dân thành phố, nhà trường đã chủ động làm văn bản báo cáo về thực trạng của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I và kế hoạch phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước 1 năm, đồng thời xây dựng dự toán chi tiết cụ thể những nội dung cần sự quan tâm hỗ trợ của thành phố trong việc đầu tư thiết bị phục vụ cho các hoạt động của nhà trường như bổ sung kinh phí để mua sắm thêm thiết bị các phòng chức năng, phòng học của trẻ như bàn ghế văn phòng, tủ đựng chăn chiếu, bổ sung giá góc đồ chơi, phản ngủ cho trẻ; thay mái tôn và sơn lại tường 5 phòng học, khoan giếng nước sạch cho nhà trường có đủ nước sạch sử dụng trong mùa khô…và đã được cấp ủy, chính quyền thành phố nhất trí đầu tư với tổng kinh phí 1.260.550.000 đồng.
       5. Làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức xã hội trên địa bàn và tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ của các tập thể, cá nhân hảo tâm ngoài nhà trường
       Để mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trở thành hiện thực, ngoài việc tích cực tham mưu với chính quyền các cấp và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường còn làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức xã hội trên địa bàn như: tổ chức Đoàn thanh niên phường, Hội khuyến học và Hội Cựu giáo chức, Hội chữ thập đỏ địa phương, Công ty TNHHMTV Apatít Việt Nam, câu lạc bộ sản xuất kinh doanh phường Bắc Lệnh…làm cho họ hiểu về tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ tốt nhất, từ đó tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể về tài lực, vật lực, ngày công lao động cho công tác xây dựng trường chuẩn của nhà trường. Đối với các tổ chức kinh doanh, nhà trường nhờ địa phương giới thiệu những doanh nghiệp, cá nhân thành đạt đồng thời tham mưu với chính quyền địa phương viết thư kêu gọi các lực lượng xã hội tham gia xây dựng CSVC trường học. Tổng kinh phí các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đã ủng hộ được 235.765.000đ, trong đó năm học 2015-2016 được 112 triệu đồng và hơn 300 công lao động vệ sinh trường lớp. Việc sử dụng kinh phí tài trợ, ủng hộ của các tổ chức xã hội, cá nhân có lòng hảo tâm đều được công khai trên loa truyền thanh của địa phương, của nhà trường, đồng thời ghi danh cá nhân, tập thể điển hình vào sổ vàng truyền thống nhà trường và viết thư cảm ơn những cá nhân và tập thể điển hình đã ủng hộ nhà trường trong công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. các khoản thu chi được mở sổ ghi chếp đầy đủ, cụ thể và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
       Trên đây là một số giải pháp được áp dụng thực hiện tại trường mầm non Bắc Lệnh nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm học 2015-2016.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *